Tạm trú là gì? Làm sao để có thể đăng ký tạm trú tạm vắng đầy đủ nhất? Quốc Hội Việt Nam mới ban hành Luật Cư Trú 2020 thay thế cho Luật Cư Trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2021. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau.
* Thông tin bài viết chỉ mang tính tổng hợp và tham khảo tại thời điểm chia sẻ, không phải ý kiến chuyên gia.
Tạm trú là gì?
Khoản 9 Điều 2 Luật Cư Trú 2020 quy định “Tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú”. Từ đó có thể hiểu tạm trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn hoặc cấp huyện khác mà công dân đó đăng ký thường trú.
Cần có căn cước công dân găn chip để đăng ký tạm trú.
Do tính chất công việc, học tập, công tác nên nhiều người phải di chuyển đến những khu vực khác nhau để sinh sống, làm việc trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Trường hợp này, công dân phải đăng ký thủ tục tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vậy thủ tục đăng ký tạm trú là gì? Nếu không đăng ký tạm trú tạm vắng thì có bị xử phạt không?
>>> Có thể bạn quan tâm: Thuê Căn Hộ Vinhomes Grand Park | Xem chi tiết
Đăng ký tạm trú là gì?
Theo quy định của Luật Pháp Việt Nam, công dân có quyền tự do cư trú, nhưng bất kỳ sự thay đổi nào về việc cư trú đều phải thực hiện thủ tục đăng ký. Vậy đăng ký tạm trú là gì? Và thủ tục đăng ký tạm trú được thực hiện như thế nào?
Theo Khoản 5 Điều 2 Luật Cư Trú 2020 quy định: “đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú và khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú”.
Đăng ký tạm trú cũng là một hình thức của đăng ký cư trú, đó là việc người đăng ký phải thông báo lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm thiết lập một chế độ quản lý tạm thời về cư trú đối với công dân. Mục đích của việc đăng ký tạm trú là nhằm quản lý dân cư và quản lý con người.
Mỗi công dân khi sinh ra đều được đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi sinh sống, nhưng khi người đó không còn sinh sống tại nơi đăng ký thường trú thì việc quản lý cư trú cũng có những sự thay đổi nhất định nhằm thiết lập chế độ quản lý tạm thời bên cạnh quản lý hộ khẩu thường trú, có tác dụng nắm bắt tình hình dân cư, cũng như đảm bảo quyền lợi cho công dân nếu như có phát sinh khác.
Vì sao cần phải đăng ký tạm trú?
Đăng ký tạm trú giúp Nhà nước biết được nơi cư trú của cá nhân. Việc cư trú của công dân luôn gắn liền với các nhu cầu về học tập, công việc, khám chữa bệnh,… Đăng ký tạm trú là căn cứ để Nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp gắn liền với nơi cư trú đó.
Việc đăng ký tạm trú giúp quan hệ giữa Nhà nước và công dân liên quan đến cư trú không bị gián đoạn, công dân có quyền lên tiếng khi lợi ích và các nhu cầu cơ bản của mình bị xâm phạm. Đối với nhà nước, công tác quản lý cư dân có vai trò hết sức quan trọng, có tác dụng to lớn đối với vị trí quản lý xã hội, quản lý dân cư của Nhà nước cũng như đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng an ninh nhân dân.
Đăng ký tạm trú để bảo vệ lợi ích chính đáng của công dân
Dựa trên cơ sở nắm bắt được dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý còn có các chính sách, kế hoạch đảm đảm an sinh xã hội phù hợp với xây dựng trường học, bệnh viện,.. đáp ứng tình trạng cư trú, tạm trú của công dân.
Đối với hoạt động quản lý xã hội, công tác quản lý tạm trú là một biện pháp quản lý hành chính nhằm nắm được việc cư trú của công dân, xác định những thông tin cơ bản nhất về nhân thân của công dân làm tiền đề phục vụ cho hoạch định chính sách xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân, tăng cường chính sách quản lý xã hội của Nhà nước.
Đối với việc đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý tạm trú sẽ góp phần tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, hạn chế nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm. Những đối tượng phạm tội ngày nay luôn dùng những chiêu thức tinh vi, lợi dụng sơ hở, bất cập trong công tác quản lý tạm trú để hoạt động phạm tội cũng như là trốn tránh pháp luật.
Đối với việc hoạch định chính sách, quản lý xã hội cũng chính là quản lý con người trong tất cả mọi việc của đời sống xã hội. Nắm được những dữ liệu trên tất cả các phương diện sẽ là cơ sở hoạch định chính sách kinh tế – xã hội phát triển một cách toàn diện.
Từ những căn cứ trên, nếu không xác định được tầm quan trọng của việc đăng ký tạm trú, công dân sẽ tự đánh mất quyền lợi của mình, không được hưởng chính sách ưu đãi và nhận được sự quan tâm giúp đỡ từ chính quyền, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, điều này còn làm gia tăng tệ nạn xã hội không đáng có, ảnh hưởng đến an ninh an toàn xã hội và các hiện tượng tiêu cực khác xảy ra trên địa bàn tạm trú.
Quy định pháp luật về đăng ký tạm trú
Quy định tại Điều 27 “Điều kiện đăng ký tạm trú” của Luật Cư Trú 2020 cụ thể như sau:
Quy định của Pháp Luật về đăng ký tạm trú
Điều 27. Điều kiện đăng ký tạm trú
“1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi hành chính cấp xã, phường, thị trấn nơi để lao động, học tập, làm việc hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì bắt buộc phải thực hiện đăng ký tạm trú.
2. Thời hạn tạm trú tối đa là không quá 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.
3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở theo các quy định sau:
- Chỗ ở nằm trong khu vực cấm không được xây dựng hoặc lấn chiếm hành lang quốc phòng – an ninh, giao thông, thủy lợi, các di tích văn hóa – lịch sử đã được xếp hạng, khu vực được cảnh báo gây nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống theo quy định của pháp luật.
- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở đều nằm trên diện tích đất xâm chiếm trái phép hoặc trên một khoảng diện tích đất không đủ điều kiện để xây dựng theo quy định của luật đất đai.
- Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và có quyết định phê duyệt những phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư của cơ quan nhà nước; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp quyền sử dụng đất, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng chưa được giải quyết theo quy định của Pháp luật.
- Chỗ ở bị tịch thu theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Và hồ sơ, thủ tục đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú được quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Bộ Luật này như sau:
Điều 28. Hồ sơ, các bước đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú
“1. Hồ sơ, các bước đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú:
a) Tờ khai nêu rõ thông tin cư trú đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải thể hiện rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản khác;
b) Giấy tờ và các tài liệu chứng minh chỗ ở này là hợp pháp”
Theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 62/2021 ngày 29/6/2021 của Chính Phủ quy định chi tiết điều luật khi công dân chưa đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ sau:
- Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các loại tài sản khác gắn liền với đất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp ( trong đó phải có thông tin về nhà ở).
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng ( đối với những dự án là công trình thì công trình phải được cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý thuộc sở hữu của nhà nước.
- Hợp đồng mua nhà hoặc giấy tờ chứng minh đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở từ những doanh nghiệp có chức năng kinh doanh đầu tư xây dựng để bán.
- Giấy tờ thuê nhà, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của luật đất đai về nhà ở.
- Giấy tờ giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất cá nhân cho hộ gia đình, cá nhân.
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở và đã có hiệu lực.
- Giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và các loại tài sản khác gắn liền với đất nếu không có một trong các giấy từ nêu trên.
- Giấy tờ chứng minh đăng ký, đăng kiểm quyền sở hữu, trường hợp nếu chưa có thì cần phải có sự xác nhận của UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã quy định về việc phương tiện được sử dụng để ở;
- Giấy tờ chứng minh việc cho thuê, cho mượn nhà ở hợp pháp là các văn bản cho thuê, cho mượn nhà ở của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của Luật đất đai 2013 và Luật nhà ở 2014.
- Giấy tờ do chính thủ trưởng, cơ quan tổ chức kế tên, đóng dấu, xác minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, tổ chức giao đất để làm nhà (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).
Đối tượng phải khai báo tạm trú, tạm vắng
Đối tượng buộc phải khai báo tạm trú: là những người đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên.
Đối tượng phải khai báo tạm vắng: Theo Khoản 1,2 Điều 32 Luật Cư Trú 2020 quy định đối tượng phải khai báo tạm vắng gồm: bị can, bị cáo đang tại ngoại, người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc người đang được hưởng án treo; người phạt cải tạo không giam giữ; người đang chấp hành biện pháp giáo dưỡng tại xã, phường, thị trấn; người tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ một ngày trở lên có trách nhiệm phải khai báo tạm vắng; người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã nơi mình cư trú từ 3 tháng trở lên phải có trách nhiệm khai báo tạm vắng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong quá trình thực hiện khai báo thủ tục tạm trú, tạm vắng và đảm bảo quyền tự do khi đi cư trú, các trường hợp không thuộc đối tượng được nêu trên khi đi khỏi địa phương không nhất thiết phải làm thủ tục khai báo tạm vắng.
Thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng
Để thuận lợi trong quá trình di chuyển đến nơi ở mới, công dân phải thực hiện quá trình đăng ký tạm trú, tạm vắng theo 3 bước sau:
Thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng
Hồ sơ đăng ký tạm trú
Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm các giấy tờ chứng minh sau:
a/ Căn cước công dân gắn chíp
b/ Giấy tờ và căn cứ pháp lý chứng minh chỗ ở hợp pháp
c/ Bản khai nhân khẩu (HK01)
d/ Phiếu báo thay đổi nhân khẩu và hộ khẩu (HK02)
Số lượng hồ sơ: bao gồm 1 bộ.
Quy trình đăng ký tạm trú
Công dân nộp hồ sơ trực tiếp tại Công an xã, phường, thị trấn. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải đối chiếu với các quy định của Pháp luật về cư trú như:
- Trường hợp hồ sơ đăng ký đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.
- Trường hợp hồ sơ đã đủ điều kiện nhưng thiếu giấy biên nhận hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ hướng dẫn cho người nộp hồ sơ bổ sung những giấy tờ còn thiếu.
Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì không viết giấy biên nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân lý giải lý do vì sao không nhận hồ sơ tạm trú.
Nếu công dân được trao giấy biên nhận quyền đăng ký tạm trú thì tiến hành nộp lệ phí và nhận hồ sơ, kiểm tra lại giấy tờ, tài liệu, kiểm tra lại các thông tin được ghi trong sổ tạm trú sau đó ký và ghi rõ họ tên, ngày tháng năm nhận kết quả.
Ngược lại, nếu công dân không được duyệt hồ sơ đăng ký tạm trú thì phải nhận lại hồ sơ đã nộp và kiểm tra lại các thông tin giấy tờ, nhận văn bản về việc không giải quyết đăng ký tạm trú và ký nhận ghi rõ họ, tên, ngày tháng năm nhận văn bản, hồ sơ đăng ký cư trú đã nộp.
Lệ phí đăng ký tạm trú
Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Thông tư 250/2016/TT-BTC về lệ phí đăng ký tạm trú như sau:
- Đăng ký thường trú, tạm trú cả hộ gia đình hoặc cá nhân nhưng không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì lệ phí dao động không quá 15.000đ/ lượt.
- Cấp mới, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ thường trú không quá 20.000đ/ lượt. Riêng việc cấp sổ hộ khẩu, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú theo yêu cầu vì lý do Nhà nước thay đổi địa giới hành chính, tên đường, số nhà thì không quá 10.000đ/ lượt.
- Chứng nhận sổ hộ khẩu, sổ thường trú không quá 8.000đ/ lần. Riêng việc Nhà nước đính chính địa chỉ, số nhà, xóa tên trong sổ hộ khẩu, sổ thường trú thay đổi địa giới hành chính thì tiến hành không thu phí.
- Miễn lệ phí cho những công dân cần cấp sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, giấy đăng ký tạm trú có thời hạn lần đầu, cấp mới, thay đổi mới theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
>>> Có thể bạn quan tâm: Thuê Căn Hộ Vinhomes Grand Park | Xem chi tiết
Quy định xử phạt khi không khai báo tạm trú
Nếu như không đăng ký tạm trú thì có bị xử phạt hay không? Quy định xử phạt cho việc không đăng ký tạm trú là bao nhiêu?
Tại Điều 8 Nghị Định 167/2013/NĐ-CP đã quy định về việc xử phạt hành chính trong trường hợp không đăng ký và khai báo tạm trú như sau:
- Phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng khi cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng nghĩa vụ về thủ tục đăng ký tạm trú, tạm vắng hoặc điều chỉnh những thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
- Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng khi cố ý tẩy, xóa, sửa chữa hoặc có hành vi làm sai lệch nội dung của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và giấy tờ khác có liên quan đến tạm trú.
- Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng khi cố ý khai gian, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để đăng ký tạm trú tạm vắng, sổ tạm trú cho người khác vào chỗ ở của mình nhằm mục đích vụ lợi.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin về tạm trú là gì, tạm trú là sao, những quy định của Pháp luật về việc đăng ký tạm trú,…
*Thông tin bài viết chỉ mang tính tổng hợp và tham khảo tại thời điểm chia sẻ, không phải ý kiến chuyên gia.
*Hình ảnh trong bài viết mang tính minh hoạ.
Nguồn: Tổng hợp.